Khám phá các ý tưởng thiết kế nhà cấp 4 có giếng trời hiện đại
Ngọc Trinh
Th 4 24/05/2023
8 phút đọc
Nội dung bài viết
Nếu bạn mong muốn ngôi nhà của mình có thêm nhiều ánh sáng tự nhiên, cũng như tăng cường lưu thông không khí thì giếng trời chính là ý tưởng tuyệt vời nhất. Giếng trời rất thường gặp đối với nhà cấp 4, nhà phố – những loại hình nhà ở có diện tích khiêm tốn cả ở nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, việc thiết kế nhà cấp 4 có giếng trời cũng có nhiều vấn đề cần theo sát, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn công năng và thẩm mỹ. Sau đây, DNU Concept có một số lưu ý gửi đến bạn!
Thiết kế nhà cấp 4 có giếng trời là như thế nào?
Giếng trời được hiểu là khoảng trống trên trần nhà, nối bên trong ngôi nhà với ngoài trời. Thông qua khoảng trống này, ngôi nhà được đón nhận ánh sáng mặt trời. Đồng thời, không khí cũ bên trong cũng được đẩy đi nhanh chóng hơn giúp không khí trong nhà luôn thông thoáng và dễ chịu.
Nhà cấp 4 có giếng trời không chỉ là giải pháp tuyệt vời về ánh sáng và lưu thông không khí, mà còn tạo ra sức hút khó cưỡng về phần nhìn, với nhiều thiết kế đẹp mắt khiến ngôi nhà thêm phần ấm cúng, sáng tạo và bắt kịp xu hướng. Ngoài ra, tác dụng của ánh sáng và không khí còn có vai trò lớn về phong thủy, đem lại vận khí tốt, giúp gia chủ ngày càng thịnh vượng và khỏe mạnh.
Theo các chuyên gia, cấu tạo giếng trời bao gồm 3 phần cơ bản:
- Phần đáy: nơi trang trí tiểu cảnh, bày trí nội thất,…;
- Phần thân: là khoảng cách từ đỉnh đến đáy, nơi ánh sáng được soi chiếu và không khí di chuyển;
- Phần đỉnh: nơi trực tiếp đón nhận ánh sáng và không khí.
Dựa trên 3 phần này, bạn sẽ dễ dàng phân chia khối lượng công việc, cũng như lựa chọn vật liệu và phương án thiết kế hợp lý. Từ đó dự trù ngân sách và cân đối phù hợp với tiêu chuẩn và mức sống của cả gia đình.
Giếng trời thường được bố trí ở trung tâm ngôi nhà (Ảnh: Internet)
Các vấn đề thường gặp khi thiết kế nhà cấp 4 có giếng trời và hướng xử lý
Hầu hết các vấn đề khi thiết kế nhà cấp 4 có giếng trời đều xuất phát từ vị trí đặt. Trong đó, vị trí phổ biến nhất là trung tâm ngôi nhà. Khu vực này đa phần nằm ngay vị trí cầu thang và gần với nhà bếp – nơi phát sinh nhiều mùi từ quá trình nấu nướng. Cho nên giếng trời đặt ở đây được xem là vô cùng lý tưởng, vì giúp đẩy nhanh mùi khó chịu ra bên ngoài, tránh để tình trạng ám mùi quá lâu gây trở ngại đến quá trình sinh hoạt.
Chuyên gia khuyên bạn nên đặt giếng trời ở vị trí trung tâm hoặc phía sau ngôi nhà. Những khu vực này được đánh giá rất cao về mặt phong thủy. Đồng thời nên hạn chế đặt ở nhà trước, vì nơi đây vốn đã sẵn có ánh sáng, nếu thêm giếng trời sẽ trở nên dư sáng, đổi lại phía sau tối hơn, khiến chất lượng sinh hoạt không đảm bảo.
Dù đặt giếng trời ở vị trí nào, bạn đều khó tránh các tình trạng phát sinh như sau:
Tình trạng hắt mưa
Nếu để giếng trời trần mà không có mái che, bạn phải lường trước được tình trạng bị hắt nước mưa khắp nhà. Như vậy, sàn nhà sẽ trở nên trơn trượt, gây khó khăn cho việc di chuyển trong các công việc thường nhật. Thậm chí nếu không xử lý dứt điểm có thể gây tai nạn.
Các chuyên gia đưa ra giải pháp hữu hiệu, đó là gia cố thêm sắt quanh miệng giếng và che chắn bằng các vật liệu trong, có tác dụng dẫn sáng tốt. Tốt nhất là dán thêm tấm phin lọc tia UV để bảo vệ sức khỏe cả nhà.
Sẽ khó tránh bị hắt nước mưa nếu chọn thiết kế giếng trời không mái (Ảnh: Internet)
Vấn đề thoát nước
Khi xây nhà cấp 4 có giếng trời không có mái che, ít nhất phải đảm bảo hệ thống thoát nước. Đặc biệt là ở Việt Nam, quốc gia nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa mưa kéo dài và mưa như trút nước. Do đó, nơi đáy giếng chắc chắn sẽ bị dột rất nhiều. Không xử lý tốt về vấn đề thoát nước, bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng ứ đọng nước và các tiểu cảnh bị ngập úng, dễ chết.
Nên có biện pháp thoát nước đảm bảo không bị ngập úng, tràn nước ra sàn gây cản trở sinh hoạt (Ảnh: Internet)
Vấn đề cách âm
Ưu điểm của nhà cấp 4 có giếng trời là lưu thông ánh sáng và không khí, vô tình khoảng không này cũng để lại nhược điểm là truyền âm tốt. Ví dụ, tầng 1 sinh hoạt hay nói chuyện thì các tầng trên đều nghe thấy hết. Âm thanh quá nhiều sẽ gây trở ngại trong khi nghỉ ngơi, nhất là với những gia đình có người già và trẻ nhỏ. Do đó, cách tốt nhất là sử dụng những chất liệu nhám, gồ ghề quanh tường của giếng. Có thể kể đến: các loại đá, giấy dán tường,… Ngoài ra, sử dụng cây xanh cũng là phương pháp cách âm tốt.
Bờ tường quanh giếng trời thường làm bằng vật liệu gồ ghề làm hạn chế tiếng ồn khi sinh hoạt (Ảnh: Internet)
Các loại giếng trời thường gặp đối với nhà cấp 4
Mọi cách làm giếng trời nhà cấp 4 tại Việt Nam đều bắt buộc bạn phải tính toán được lượng gió và nhiệt lưu thông. Bởi vào mùa nóng, ánh sáng mặt trời khi chiếu thẳng xuống giếng sẽ tạo ra lượng nhiệt có cường độ mạnh. Còn khi mùa mưa lượng nước đổ xuống cũng vô cùng lớn. Thậm chí cũng phải tính đến vấn đề an ninh.
Cân nhắc lựa chọn loại giếng trời phù hợp rất quan trọng. Điều này tùy thuộc vào thói quen sinh hoạt, khu vực sinh sống và sở thích riêng của gia chủ. Hiện phổ biến 3 loại như sau:
Nhà cấp 4 có giếng trời không mái che
Nhiều gia đình muốn tận dụng khu vực giếng trời để làm không gian xanh, vườn nhà. Đặc biệt đối với những ngôi nhà không có vườn bên ngoài thì khu vực này chính là lựa chọn tốt nhất. Bởi cây xanh đặt ở đây sẽ hứng trọn ánh nắng tự nhiên, cùng với mưa, rất có lợi cho sự phát triển.
Để đảm bảo sự thoải mái tối đa, hãy khéo léo thiết lập thêm hệ thống thoát nước và các biện pháp cân bằng lượng nhiệt khi trời nắng đổ xuống.
Giếng trời không có mái sẽ thích hợp nếu gia chủ bố trí một khu vườn nhỏ nơi phần đáy (Ảnh: Internet)
Loại mái che di động
Mái che di động được xem là giải pháp hoàn hảo cho nhà cấp 4 có giếng trời. Với loại này, bạn có thể đóng mở tùy ý. Có thể mở ra khi thời tiết dễ chịu và đóng lại nếu nắng nóng hay mưa lớn. Tuy nhiên, giá thành cho mái che di động đắt hơn nhiều so với các loại khác.
Mẫu những giếng trời đẹp
Mái che di động linh hoạt di chuyển, đáp ứng nhu cầu thiết thực (Ảnh: Internet)
Loại mái che cố định
Nhà cấp 4 có giếng trời thường sử dụng mái che cố định từ tấm poly hoặc kính cường lực. Những loại vật liệu này vừa chịu nhiệt tốt vừa dẫn sáng tốt. Có thể kết hợp hoa văn hoặc không tùy sở thích của gia chủ. So với mái che di động có giá thành khá cao, loại mái che cố định không chỉ có giá mềm hơn mà còn rất dễ lắp đặt.
Mái che cố định được áp dụng phổ biến nhất (Ảnh: Internet)
Hy vọng các thông tin trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tổ chức không gian sống. DNU Concept hân hạnh hỗ trợ giải đáp bất cứ thắc mắc nào của bạn!